Đau Thần Kinh Tọa: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Chữa Trị

Cập nhật lúc 10:03 - 25/11/24

Tham vấn chuyên môn bởi:

Lương y Đỗ Minh Tuấn

GĐ chuyên môn hệ thống Đỗ Minh Đường

Hiện nay, tỷ lệ những ca bị đau thần kinh tọa đang ngày càng gia tăng và có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi. Việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng là cần thiết để có phương pháp điều trị hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin chi tiết hơn về bệnh xương khớp này trong bài viết sau đây.

Đau thần kinh tọa là bệnh gì?

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau nhức dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa – dây thần kinh dài nhất trong cơ thể. Dây thần kinh này chạy từ thắt lưng, qua hông, mông và kéo dài xuống chân.

Khi bị chèn ép hoặc tổn thương, nó có thể gây ra các triệu chứng đau nhức, tê hoặc yếu ở vùng lưng dưới và lan xuống mông, đùi, bắp chân và bàn chân. Đa số các trường hợp, cơn đau chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể, thường là một chân hoặc một bên lưng dưới.

Đau thần kinh tọa là bệnh lý xương khớp ngày càng phổ biến
Đau thần kinh tọa là bệnh lý xương khớp ngày càng phổ biến

Triệu chứng đau thần kinh tọa

Bệnh đau thần kinh tọa gây ra những triệu chứng điển hình như sau:

  • Cơn đau bắt đầu từ vùng thắt lưng, lan xuống mông, đùi, bắp chân và thậm chí đến bàn chân, ngón chân (cơn đau âm ỉ, đau nhói, đau buốt, đau như điện giật hoặc cảm giác nóng rát).
  • Các hoạt động như đứng lên, ngồi xuống, đi bộ, cúi xuống hoặc ho, hắt hơi làm tăng cơn đau.
  • Có cảm giác tê bì, ngứa ran hoặc cảm giác kiến bò ở chân hoặc bàn chân.
  • Xuất hiện cơn châm chích, cảm giác như bị kim đâm dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, từ lưng dưới đến chân.
  • Cứng cơ hoặc đau hơn vào buổi sáng khi mới thức dậy và cơn đau có thể giảm đi khi cơ thể vận động nhẹ nhàng.

Nguyên nhân gây bệnh

Đau thần kinh tọa có nhiều nguyên nhân khác nhau, hầu hết đều liên quan đến việc chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh tọa.

  • Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đau thần kinh tọa. Khi đĩa đệm bị thoát vị, phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài và chèn ép vào dây thần kinh tọa, gây đau và các triệu chứng khác.
  • Hẹp ống sống: Ống sống là khoảng trống chứa tủy sống và các dây thần kinh. Khi ống sống bị hẹp lại do thoái hóa hoặc các vấn đề khác, nó có thể chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Gai cột sống: Gai cột sống là những phần xương nhô ra từ đốt sống. Khi gai cột sống phát triển quá lớn, nó có thể chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Đau cơ hình lê: Cơ hình lê nằm sâu trong mông, gần dây thần kinh tọa. Khi cơ này bị co thắt hoặc viêm, nó có thể gây kích thích và chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Trượt đốt sống: Đây là tình trạng một đốt sống trượt ra khỏi vị trí bình thường so với đốt sống bên dưới. Trượt đốt sống có thể gây chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Khối u: Trong một số trường hợp hiếm gặp, khối u ở cột sống hoặc vùng chậu có thể chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở cột sống hoặc các mô xung quanh có thể gây viêm và kích thích dây thần kinh tọa.
  • Tư thế và vận động sai: Ngồi lâu, cúi người không đúng cách hoặc mang vác vật nặng không đúng kỹ thuật có thể gây tổn thương hoặc tạo áp lực lên vùng thắt lưng, dẫn đến đau thần kinh tọa.
  • Mang thai: Trong thai kỳ, tử cung mở rộng gây áp lực lên dây thần kinh tọa. Hormone thai kỳ cũng làm các dây chằng trở nên lỏng lẻo, dẫn đến sự dịch chuyển của các đốt sống và chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể tạo thêm áp lực lên cột sống và các đĩa đệm, làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Chấn thương cột sống: Các chấn thương như tai nạn giao thông, tai nạn thể thao hoặc té ngã có thể gây tổn thương hoặc chèn ép dây thần kinh tọa.
Có nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh tọa cao
Có nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh tọa cao

Đối tượng có nguy cơ bị đau thần kinh tọa cao

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ bị đau thần kinh tọa cao hơn, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai (đặc biệt trong những tháng thai kỳ cuối).
  • Người cao tuổi (đặc biệt là sau 30 tuổi) do quá trình lão hóa tự nhiên của cột sống và đĩa đệm.
  • Những người làm công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, nâng vật nặng hoặc vặn xoắn cột sống thường xuyên có nguy cơ cao hơn.
  • Người có lối sống ít vận động làm yếu cơ lưng và bụng, khiến cột sống dễ bị tổn thương.
  • Người mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, viêm khớp, thoái hóa, ung thư.
  • Người thừa cân, béo phì.

Bệnh đau thần kinh tọa nguy hiểm không?

Mặc dù không đe dọa trực tiếp tính mạng, nhưng nếu không kiểm soát, đau thần kinh tọa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng:

  • Giảm chất lượng cuộc sống: Cơn đau kéo dài khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như đi lại, ngồi lâu hoặc vận động.
  • Teo cơ và yếu cơ: Nếu không điều trị, dây thần kinh bị chèn ép lâu dài có thể làm giảm khả năng vận động và gây yếu cơ hoặc teo cơ ở chân, ảnh hưởng đến khả năng đi lại.
  • Mất kiểm soát bàng quang và ruột: Trong những trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt khi có hiện tượng chèn ép nặng dây thần kinh, bệnh nhân có thể gặp tình trạng tiểu tiện không kiểm soát, đây là tình trạng cần can thiệp y tế khẩn cấp.
  • Tăng nguy cơ tàn tật: Nếu đau thần kinh tọa không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn và nguy cơ tàn tật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

  • Cơn đau kéo dài hơn 1 tuần không có dấu hiệu thuyên giảm, kể cả khi áp dụng các biện pháp như nghỉ ngơi, chườm nóng/lạnh,…
  • Khi cơn đau lan rộng xuống chân, gây khó khăn khi đi lại hoặc đứng dậy hoặc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Cảm thấy yếu cơ hoặc mất cảm giác ở chân.
  • Xuất hiện các vấn đề về kiểm soát bàng quang hoặc ruột, như tiểu không tự chủ hoặc táo bón.
  • Nếu đau thần kinh tọa xuất hiện sau khi gặp chấn thương (như tai nạn hoặc té ngã).
  • Đau thần kinh tọa đi kèm với sốt hoặc các triệu chứng toàn thân như giảm cân không rõ nguyên nhân.
Có triệu chứng đau dây thần kinh tọa cần đi thăm khám ngay
Có triệu chứng đau dây thần kinh tọa cần đi thăm khám ngay

Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán đau thần kinh tọa thường dựa trên sự kết hợp của các phương pháp sau:

Hỏi bệnh sử – khám lâm sàng:

  • Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng đau, vị trí đau, thời gian bắt đầu, tiền sử bệnh lý và các hoạt động hàng ngày của bạn.
  • Khám lâm sàng: Bao gồm kiểm tra các dấu hiệu thần kinh như phản xạ, cảm giác và sức mạnh cơ bắp ở chân.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp X-quang: Giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc xương như gai cột sống, thoái hóa đốt sống, trượt đốt sống,…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về các mô mềm như đĩa đệm, dây thần kinh, giúp xác định chính xác vị trí và mức độ chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Được sử dụng để đánh giá cấu trúc xương và các mô mềm, đặc biệt là khi MRI không thể thực hiện được.

Các xét nghiệm khác:

  • Điện cơ đồ (EMG): Đo hoạt động điện của cơ bắp, giúp xác định mức độ tổn thương dây thần kinh và loại trừ các bệnh lý thần kinh khác.
  • Xét nghiệm dẫn truyền thần kinh (NCS): Đo tốc độ dẫn truyền xung thần kinh, giúp xác định mức độ tổn thương dây thần kinh.
  • Xét nghiệm máu: Thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau như nhiễm trùng hoặc viêm khớp.

Phương pháp điều trị bệnh

Để điều trị đau thần kinh tọa, trong Y học áp dụng một số phương pháp tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Điều trị không dùng thuốc

Những phương pháp không dùng thuốc dưới đây mang lại hiệu quả trong việc giảm đau và cải thiện chức năng vận động cho người bị đau thần kinh tọa.

  • Châm cứu: Sử dụng kim nhỏ để kích thích các huyệt đạo, giúp điều chỉnh dòng chảy của khí huyết, giảm đau và viêm. Các huyệt đạo liên quan đến dây thần kinh tọa bao gồm các huyệt như Thận Du, Yêu Dương Quan, Ủy Trung, Túc Tam Lý và Dương Lăng Tuyền.
  • Bấm huyệt: Bấm huyệt sử dụng áp lực của ngón tay hoặc các dụng cụ chuyên dụng để kích thích các huyệt đạo, mang lại tác dụng tương tự như châm cứu. Các huyệt thường được bấm khi điều trị đau thần kinh tọa bao gồm Thận Du, Hoàn Khiêu, Dương Lăng Tuyền và Huyết Hải.
Châm cứu là phương pháp được ứng dụng phổ biến
Châm cứu là phương pháp được ứng dụng phổ biến

Sử dụng thuốc Tây y

Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều nhóm thuốc Tây y khác nhau như:

  • Thuốc giảm đau: Bao gồm acetaminophen hoặc NSAIDs (ibuprofen, naproxen) giúp giảm đau và viêm.
  • Thuốc giãn cơ: Như thuốc Mydocalm, thuốc Myonal,… Được sử dụng khi cơn đau gây co thắt cơ bắp.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Các loại thuốc như gabapentin hoặc pregabalin có thể được chỉ định để giảm cơn đau do tổn thương dây thần kinh.
  • Tiêm corticosteroid: Tiêm thuốc trực tiếp vào khu vực xung quanh dây thần kinh bị chèn ép có thể giúp giảm viêm và đau tạm thời.
  • Vitamin nhóm B: Vitamin B1, B6 và B12 có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương thần kinh và giảm đau.

Can thiệp phẫu thuật

Nếu các phương pháp trên không hiệu quả sau 6 tuần hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp phẫu thuật:

  • Cắt bỏ đĩa đệm: Loại bỏ phần đĩa đệm bị thoát vị đang chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Phẫu thuật mở rộng ống sống: Nếu đau thần kinh tọa do hẹp ống sống gây ra, phẫu thuật laminectomy giúp mở rộng ống sống và giảm áp lực lên dây thần kinh.
  • Phẫu thuật ghép xương: Trong một số trường hợp, các đốt sống được phẫu thuật kết hợp với nhau để ổn định cột sống và giảm chèn ép.
Can thiệp phẫu thuật trong những trường hợp bệnh nặng
Can thiệp phẫu thuật trong những trường hợp bệnh nặng

Hướng dẫn phòng ngừa đau dây thần kinh tọa

Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn bảo vệ sức khỏe cột sống và giảm thiểu nguy cơ đau thần kinh tọa:

Duy trì tư thế đúng:

  • Khi ngồi: Chọn ghế có hỗ trợ lưng tốt, giữ lưng thẳng, hai chân đặt trên sàn nhà. 
  • Khi đứng: Đứng thẳng, phân bổ trọng lượng đều lên hai chân, tránh đứng nghiêng hoặc vẹo người.
  • Khi nâng vật nặng: Gập đầu gối và giữ lưng thẳng, sử dụng sức mạnh của chân để nâng vật, tránh vặn xoắn hoặc cúi người đột ngột.
  • Khi ngủ: Nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai chân hoặc nằm ngửa với một chiếc gối dưới đầu gối để giữ cột sống ở tư thế tự nhiên.

Tập thể dục thường xuyên:

  • Bài tập tăng sự linh hoạt của cơ bắp: Các bài tập như yoga, pilates, bơi lội, đi bộ… giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm áp lực lên dây thần kinh tọa.
  • Bài tập kéo giãn: Kéo giãn cơ bắp thường xuyên, đặc biệt là các cơ ở lưng, hông và chân, giúp giảm nguy cơ chèn ép dây thần kinh.
  • Tập thể dục đều đặn: Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần.

Tránh yếu tố nguy cơ:

  • Hạn chế mang vác vật nặng: Nếu phải mang vác vật nặng, hãy sử dụng kỹ thuật đúng cách và chia nhỏ vật nặng thành nhiều lần mang.
  • Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu: Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải ngồi hoặc đứng nhiều, hãy đứng dậy và vận động thường xuyên để giảm áp lực lên cột sống.
  • Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá làm giảm lưu thông máu đến đĩa đệm, khiến chúng dễ bị thoái hóa và gây đau thần kinh tọa.

Các biện pháp khác:

  • Bổ sung dưỡng chất cho xương: Bao gồm thực phẩm giàu canxi, vitamin D và các chất chống oxy hóa để hỗ trợ sức khỏe xương khớp và giảm viêm.
  • Kiểm soát các bệnh mãn tính: Hãy kiểm soát tốt tiểu đường hoặc viêm khớp để giảm nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về cột sống và dây thần kinh.

Hiểu rõ về đau thần kinh tọa, từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp điều tr giúp bạn đối phó với tình trạng này một cách hiệu quả, đồng thời trang bị kiến thức để chủ động phòng ngừa. Hãy lắng nghe cơ thể mình, thăm khám kịp thời và áp dụng lối sống lành mạnh để tránh những cơn đau gây ảnh hưởng đến cuộc sống.

© Bản quyền nội dung thuộc về DIỆU PHÁP ĐỖ MINH - Ghi rõ nguồn website khi chia sẻ nội dung này.